0

Dấu hiệu nhận biết rối loạn lo âu xã hội | Safe and Sound

Rối loạn lo âu xã hội là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất. Theo các bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý, bệnh nhân trải qua một nỗi sợ bị xét đoán. Rối loạn lo âu xã hội có thể gây ra tình trạng tê liệt ý thức bản thân (self-consciousness).

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Rối loạn lo âu xã hội là gì?

Theo chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần, rối loạn lo âu xã hội là một bệnh lý về tâm thần, thuộc nhóm bệnh rối loạn lo âu. Một người mắc rối loạn lo âu xã hội trải qua sự căng thẳng hoặc hãi hùng quá mức trước các tình huống xã hội. Họ có thể chỉ lo lắng trong những hoàn cảnh cụ thể, chẳng hạn như nói chuyện hay trình diễn trước công chúng, hoặc cảm thấy căng thẳng trong mọi loại tình huống xã hội.

Ảnh 1: Rối loạn lo âu xã hội có thể khiến bạn sợ hãi trước đám đông

Người bệnh thường có xu hướng e dè quá mức và lo lắng người khác sẽ đánh giá họ một cách tiêu cực. Họ chìm đắm vào những tương tác xã hội đã xảy ra trong quá khứ, ám ảnh về việc mình trông như thế nào với người khác. Các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý cho biết, lo âu xã hội khiến một người lên kế hoạch quá mức và tập trước các tình huống họ cho rằng sẽ xảy đến và điều này có thể dẫn đến những hành vi lạ lùng hay kỳ quặc. Người bệnh sau đó lại có thể thu thập chứng cứ để củng cố nỗi sợ hãi của họ, bởi sự lo âu hay tập trước thái quá của người này thường lại gây ra các tình huống khó khăn.

2. Nguyên nhân gây rối loạn lo âu xã hội

Nguyên nhân chính xác của rối loạn lo âu xã hội vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nghiên cứu của các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý cho rằng, rối loạn lo âu xã hội xảy ra bởi sự kết hợp của các yếu tố môi trường và di truyền. 

  • Những trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu cũng có thể góp phần vào rối loạn này, bao gồm: Bị lạm dụng tình dục, bị bắt nạt, mâu thuẫn gia đình.

Ảnh 2: Mâu thuẫn gia đình có thể khiến con trẻ bị rối loạn lo âu xã hội

  • Những bất thường về thể chất như mất cân bằng serotonin có thể góp phần vào tình trạng này. Serotonin là một chất hoá học trong não giúp điều chỉnh tâm trạng. Một hạch hạnh nhân hoạt động quá mức (một cấu trúc trong não kiểm soát phản ứng sợ hãi và cảm giác hoặc suy nghĩ lo lắng) cũng có thể gây ra những rối loạn này.
  • Những bất thường trong cấu trúc sinh học: Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần không chắc chắn liệu chúng có thật sự liên quan đến yếu tố di truyền hay không. Ví dụ, một đứa trẻ có thể phát triển chứng rối loạn lo âu xã hội bằng cách học hành vi của cha mẹ bị rối loạn lo âu. Trẻ em cũng có thể phát triển các rối loạn lo âu xã hội do được nuôi dưỡng trong môi trường kiểm soát hoặc bảo vệ quá mức. 

3. Triệu chứng rối loạn lo âu xã hội

Theo bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, không nhất thiết việc cảm thấy xấu hổ, không thoải mái trong những tình huống nhất định đã là triệu chứng của lo âu xã hội, đặc biệt là đối với trẻ em. Mức độ thoải mái trong các giao tiếp xã hội tuỳ thuộc vào cá tính, trải nghiệm của từng cá nhân. Một vài người rất tự nhiên, trong khi một số khác không được thoải mái như vậy.

Ngược lại, khi những căng thẳng xảy ra hàng ngày, lo âu xã hội đi kèm với cảm giác sợ hãi, lo lắng, tránh né những tương tác xã hội trong công việc, học tập, hoạt động thường ngày. Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần khuyến cáo, lo âu xã hội thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên, một số có thể bắt đầu ở trẻ em hoặc người lớn. 

3.1. Các triệu chứng về cảm xúc và hành vi

  • Sợ hãi những tình huống mà bạn có thể bị đánh giá tiêu cực
  • Lo lắng về việc cảm thấy xấu hổ, hổ thẹn của bản thân
  • Sợ giao tiếp, nói chuyện với người lạ
  • Sợ các triệu chứng cơ thể mà có thể gây cho bạn xấu hổ (ví dụ: đổ mồ hôi, đỏ mặt, run tay, run giọng nói)
  • Tránh làm hoặc nói trước người khác để tránh cảm giác xấu hổ.
  • Tránh những tình huống mà bạn là trung tâm của sự chú ý.
  • Lo lắng khi tham gia các hoạt động, sự kiện mà mình sợ.
  • Lo lắng sợ hãi trong các tình huống giao tiếp xã hội.
  • Sau mỗi lần tương tác xã hội, bạn thường phân tích suy ngẫm lại những điều mình cho là sai trong quá trình giao tiếp vừa rồi.
  • Lo nghĩ về những hệ quả xấu có thể xảy ra khi mình tham gia giao tiếp xã hội.

Các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý cho biết, ở trẻ em, lo âu thể hiện trong quá trình tương tác với người lớn, với bạn đồng trang lứa, thể hiện bằng khóc, hờn dỗi, nép vào cha mẹ và không nói trong các tình huống giao tiếp.

Ảnh 3: Người mắc rối loạn lo âu xã hội cảm thấy căng thẳng trong tình huống phải làm gì đó trước nhiều người

Một dạng của lo âu xã hội là lo âu xã hội dạng thể hiện, tức là chỉ xuất hiện khi cá nhân phải thể hiện trước mặt người khác, ví dụ nói trước đám đông, tuy nhiên không lo âu trong các tình huống xã hội thông thường khác.

3.2. Các triệu chứng cơ thể

  • Đỏ mặt
  • Tim đập nhanh
  • Run
  • Vã mồ hôi
  • Khó chịu trong bụng, buồn nôn
  • Thở hụt hơi
  • Chóng mặt
  • Cảm thấy đầu óc trống rỗng
  • Căng cơ
  • Tránh né các tình huống xã hội

3.3. Rối loạn lo âu xảy ra khi nào?

Bệnh nhân có rối loạn lo âu xã hội thường tránh né các tình huống xã hội như:

  • Nói chuyện với người lạ
  • Nói trước công chúng
  • Hẹn hò
  • Giao tiếp bằng mắt
  • Sử dụng nhà vệ sinh công cộng
  • Đi dự tiệc 
  • Ăn trước mặt người khác
  • Đi học hoặc đi làm
  • Bắt đầu cuộc trò chuyện

Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần khẳng định, triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội có thể thay đổi theo thời gian và sẽ nặng lên khi bạn phải đương đầu với căng thẳng, thay đổi. Mặc dù việc tránh né các tình huống xã hội có thể làm bạn bớt lo âu, tuy nhiên chỉ được thời gian ngắn và hiện tượng lo âu của bạn sẽ tiếp tục còn nếu không có sự điều trị từ các bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý. 

4. Điều trị rối loạn lo âu xã hội

Một số loại điều trị được đề nghị cho rối loạn lo âu xã hội. Kết quả điều trị khác nhau ở mỗi người. Một số người chỉ cần một loại điều trị. Tuy nhiên, những người khác có thể cần nhiều hơn. Các phương pháp điều trị tâm lý rối loạn lo âu xã hội bao gồm:

4.1. Liệu pháp nhận thức - hành vi

Liệu pháp tâm lý này giúp người bệnh nhận ra và kiểm soát sự lo lắng thông qua thư giãn và thở, thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực. 

4.2. Liệu pháp nhóm

Trị liệu tâm lý nhóm giúp bệnh nhân học các kỹ năng và kỹ thuật xã hội để tương tác với mọi người trong môi trường xã hội. Người bệnh có cơ hội chia sẻ những vấn đề của họ và thực hiện các hành vi xã hội.

Ảnh 4: Việc trị liệu nhóm có thể giúp bệnh nhân mở lòng hơn

4.3. Liệu pháp tiếp xúc

Loại trị liệu tâm lý này giúp người bệnh dần đối mặt với các tình huống xã hội, thay vì tránh né chúng.

: Dấu hiệu nhận biết rối loạn lo âu xã hội | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound